Các Phụng Vụ Chúa Nhật, các Thánh Lễ và các hình thức thờ phượng khác của chúng ta, là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và rất quan trọng đối với đời sống và cộng đồng đức tin của chúng ta. Những nghi thức này phải truyền đạt các giá trị của chúng ta với tư cách là Thân Thể của Chúa Kitô và phải dẫn dắt mọi người đến với tình yêu của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Khi cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta mang đến Bàn Thờ Tế Lễ bản thân, gia đình, mục vụ, và lời cầu nguyện của chúng ta; nhưng Chúa Giêsu cũng đang yêu cầu chúng ta dẫn theo những người thân cận của mình. Có những lĩnh vực cần chính chúng ta đặc biệt chú ý: tinh thần chào đón và lòng hiếu khách của chúng ta; sự công bố Lời Chúa và sự rao giảng; Âm nhạc của chúng ta; cách chúng ta giao tiếp; và bản chất và mục đích của Thánh Thể - Mình và Máu Chúa Kitô. Tinh thần chào đón và hiếu khách của Chúa Giê-su rất sâu sắc và là một tấm gương và lời mời gọi mạnh mẽ đối với chúng ta với tư cách là một Giáo Hội.
Đôi khi, dường như đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm để đưa bản thân và gia đình đến nhà thờ. Và mặc dù đó là một phần trong lời mời gọi của Ngài đối với chúng ta, nhưng Chúa Giê-su thực sự muốn chúng ta trở thành các môn đệ của Ngài. Vì vậy, chúng ta cần đưa người khác đến với Người, đến với chính Chúa. Chính bản thân Chúa Giê-su yêu thương từng người xung quanh Ngài và tất cả những người Ngài gặp gở. Ngài mời gọi chúng ta làm điều tương tự như khi chúng ta họp lại trong một nhóm khi cầu nguyện và thờ phượng.
"Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mátthêu 18: 19-20)
Lời cầu nguyện cùng nhau của chúng ta cần phải là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta. Sự thể hiện đức tin của chúng ta qua việc thờ phượng và các Bí Tích cần phải là một phần của một cộng đồng năng động, nơi công bố rõ ràng tình yêu của CGK cho thế giới. Hơn nữa, trong khi chúng ta chạm vào Thiên Đàng và được Thiên Đàng cảm hóa lúc chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thờ phượng, Chúa Giê-su muốn chúng ta chia sẻ kinh nghiệm này với mọi người mà chúng ta gặp.
“Đây là ngày CHÚA đã làm ra,nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.” (Thánh Vịnh 118: 24) Hãy tưởng tượng một giáo xứ nơi niềm vui của Chúa thực sự hiện diện — từ lúc bạn vào bãi đậu xe cho đến lúc bạn ra về. Một tinh thần chào đón lan tỏa khắp giáo xứ từ bãi đậu xe đến Thánh Địa và mọi người đều được chào đón và đồng hành. Tinh thần cầu nguyện có thể cảm nhận được và tiếng hát là lời mời gọi. Tinh thần chào đón lôi cuốn mọi người vào việc cầu nguyện và cử hành Thánh Thể — mọi người trẻ, già, những vị khách, và những người lần đầu tiên đến tham dự. Âm nhạc và các bài hát lôi cuốn mọi người vào thánh lễ và cho phép tình yêu của CGK hiện diện. Vị chủ tế hân hoan dẫn dắt cộng đoàn trong lời cầu nguyện, và mong muốn Lời Chúa sẽ thực sự được kiện toàn giữa các tín hữu, các bài đọc trong ngày được công bố, và bài giảng đã được chuẩn bị chu đáo sẽ dạy dỗ về đức tin.
Cùng nhau, chúng ta tuyên bố niềm tin chung là Kinh Tin Kính. Chúng ta đặt những món quà của chúng ta trên Bàn thờ và dâng những của lễ đó lên Chúa, Đấng là Cha yêu thương chúng ta. Tập trung vào Bàn Thờ, chúng ta nâng cao tâm trí, thể xác, và tinh thần của mình lên Chúa khi đích thân bước vào hy tế của Thánh Lễ.
"Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội….
Khi linh mục đọc lời truyền phép, được trích từ Mátthêu 26: 26-28, tâm hồn chúng ta được kết hợp với Đấng bị đóng đinh và đã phục sinh, Đấng hiện diện trên Bàn thờ dưới hình dạng Mình và Máu của Người, và Người cũng ở giữa chúng ta. Đó thực sự là khoảnh khắc mà Thiên Đàng nên một với chúng ta và chúng ta nên một với Thiên Đàng. Chúng ta được thông công với Các Thánh và nhìn thoáng qua thì thấy việc ăn Mình và uống Máu Ngài là chia sẻ sự sống đời đời. Điều này nói lên người Công Giáo chúng ta là ai. Chúng ta cần phải rao giảng điều này từ trên những mái nhà.
Sau đó, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, và chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bằng Kinh Lạy Cha, đó là lời cầu nguyện của chúng ta với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Một trong những dấu hiệu tuyệt vời của việc cùng nhau thờ phượng là Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự bình an từ Thiên Đàng, và đây cũng chính là sự bình an mà chúng ta trao cho nhau. Rước Mình và Máu Chúa ở tại nhà thờ hay một cách thiêng liêng là một biểu hiện sâu sắc về con người của chúng ta là ai, chúng ta đang cử hành điều gì, và cách chúng ta sống như thế nào để cùng nhau sống như một Dân Thánh Thể, cảm tạ những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.
Thánh lễ — cử hành Thánh Thể — có ý nghĩa là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô và Giáo Hội của Ngài, đến nỗi chúng ta không chỉ muốn chia sẻ tình yêu của Ngài, nhưng chúng ta không thể không chia sẻ tình yêu đó. Đây là cách làm-môn-đệ của Ngài. Đây là lời mời gọi của CGK để trở thành môn đệ của Ngài và sống đạo. Khi Thánh Lễ kết thúc, chúng ta nhận được các phước lành của Chúa để ra đi và đào tạo các môn đệ khác. Làm môn đệ Chúa không phải bỏ lại trong nhà thờ hoặc bỏ quên trên đường lái xe về nhà. Thực tế, một điều chúng ta có thể làm khi lái xe về nhà là thảo luận về những gì đã đánh động chúng ta trong Thánh Lễ, trong các bài đọc, trong bài giảng, trong những bài thánh ca, hoặc trong cách chúng ta được mời gọi để sống đức tin của mình.
ĐỂ THẢO LUẬN:
1. Chúng ta có đang sống đức tin ở nhà, nơi làm việc, và trong cộng đồng của chúng ta không?
2. Nếu chúng ta muốn nghi thức và phụng vụ Chúa Nhật của chúng ta trở thành một sự kiện truyền bá Phúc Âm, thì một số lĩnh vực chính cần chú ý là gì?
3. Có thể làm gì trong giáo xứ, trường học, hoặc mục vụ của chúng ta để nâng cao tinh thần chào đón và hiếu khách, đặc biệt khi cử hành Phụng vụ?
4. Là một giáo xứ, gia đình, trường học, hoặc mục vụ, chúng ta mời gọi các thành viên sống đức tin và làm chứng tại nhà, nơi làm việc, và trong cộng đồng của chúng ta như thế nào?
5. Một số điều chúng ta có thể làm sau Phụng vụ Chúa nhật để đảm bảo rằng chúng ta đang sống đức tin tại nhà là gì?